Là điểm giao thoa giữa ba ngôi sao nổi bật của miền Trung – Huế, Đà Nẵng và Hội An, vịnh Lăng Cô quyến rũ du khách dưới mọi góc nhìn. Từ sự kết hợp hài hòa giữa non nước hữu tình, giữa biển trời trong xanh và dãy núi hùng vĩ mà thiên nhiên ưu ái cho danh xưng “người đẹp làng chài” của Lăng Cô.
Vốn nổi tiếng với danh xưng “người đẹp làng chài”, Lăng Cô đẹp cả “sắc vóc” lẫn “thần thái” khi thiên nhiên ưu ái nơi đây từ khí hậu đến phong cảnh non nước hữu tình. Với đường bờ biển dài hơn 30km, Lăng Cô đã tự ghi danh vào bản đồ du lịch thế giới khi nằm trong top 30 vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Vịnh Lăng Cô nhìn từ trên cao
Nổi tiếng là hòn vịnh xinh đẹp và nên thơ của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, vịnh Lăng Cô nằm gọn dưới chân đèo Hải Vân, gần cảng Chân Mây. Tọa lạc tại vị trí đắc địa, vịnh là điểm kết nối giữa 3 di sản văn hóa Thế giới đã được UNESCO công nhận, gồm quần thể di tích Cố đô Huế bên dòng sông Hương thơ mộng, phố cổ Hội An duyên dáng và Thánh địa Mỹ Sơn với nhiều đền thờ và di tích lịch sử được chạm trổ vô cùng tinh xảo.
Miền đất thanh bình này không chỉ là địa điểm nghỉ dưỡng yêu thích của vua chúa ngày xưa, mà đến nay vẫn còn hấp dẫn du khách đến khám phá vẻ đẹp mỹ miều của thiên nhiên bao la và nét đẹp thuần khiết của nền văn hóa biển.
Người dân làng chài Lăng Cô
Vẻ đẹp hút hồn du khách khi du lịch đến Lăng Cô không chỉ hiện hữu ở phong cảnh hữu tình mà còn nằm trong tính cách, khí chất “ăn sóng nói gió” của con người nơi đây. Người ta không thể quên biết bao thế hệ “con rồng cháu tiên” kiên cường trước cái nắng vàng không mấy nền nã, hay những cơn mưa triền miên, khi nhắc đến dải đất khúc ruột của Việt Nam. Tất cả những thách thức của mẹ tạo hóa đã hình thành nên sự dung dị, chất phác, thơm thảo của người dân nơi đây.
Hành trình đến với Lăng Cô
Sở hữu vị thế đắc địa, cách hai sân bay quốc tế Phú Bài (Huế) và Đà Nẵng khoảng 45 phút lái xe, Lăng Cô nằm liền kề cảng Chân Mây và ngay trục giao thông quốc lộ 1A.
Bản đồ vị trí Lăng Cô
Phương tiện di chuyển đến Lăng Cô khá đa dạng. Nếu đi tàu hỏa thông qua ga Thống Nhất, du khách sẽ mất khoảng 12-14 tiếng nếu xuất phát từ Hà Nội, và 16-17 tiếng nếu đi từ Sài Gòn. Nếu bay đến sân bay Phú Bài hoặc Đà Nẵng, du khách sẽ tiết kiệm thời gian hơn, khoảng 1-2 tiếng. Từ nhà ga hoặc sân bay, du khách có thể đến Lăng Cô bằng taxi hoặc xe trung chuyển. Nếu đặt phòng tại một số khu nghỉ dưỡng cao cấp có phục vụ đưa rước tận sân bay, du khách sẽ không phải lăn tăn nhiều về vấn đề di chuyển.
Trải nghiệm Lăng Cô – Khám phá “thiên đường du lịch”
Lăng Cô được ví như địa điểm du lịch mùa hè lý tưởng, có núi có biển, lại nằm trên con đường di sản miền Trung – quần thể di tích cố đô Huế, đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Có thể nói đây chính là điểm đến trong mơ cho những ai đam mê khám phá. Đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức du lịch biển mà còn được trải nghiệm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thám hiểm rừng nhiệt đới…
Hoạt động du lịch tại Lăng Cô
Để không “lạc lối” giữa Lăng Cô, du khách nên lập cho mình lộ trình khám phá từ Bãi Chân Mây, đến vườn quốc gia Bạch Mã và đầm Lập An… Trước vẻ hoang sơ bí ẩn của núi rừng cùng một vùng biển trời lồng lộng, những bộn bề và âu lo của cuộc sống đều như được gột rửa sạch sẽ.
Đón bình minh trên biển Cảnh Dương
Nằm ngay phía dưới Laguna, cạnh cảng Chân Mây, biển Cảnh Dương thuộc xã Lộc Vĩnh vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ với hàng bãi cát trắng mịn hình vòng cung ôm trọn biển. Sáng sớm thức dậy, hít đầy phổi mùi biển mằn mặn, pha sẵn bình chocolate nóng, tản mạn chuyện trên trời dưới biển với hội bạn thân trong lúc đợi bình minh xuất hiện từ đường chân trời. Đó là khoảnh khắc tuyệt vời của những ‘tháng năm rực rỡ’ mà bạn sẽ luôn nhớ mãi.
Biển Cảnh Dương càng về chiều càng đông, khi nhiều gia đình và du khách đến tắm biển và tận hưởng hải sản tươi nướng BBQ cạnh biển: mực, tôm, cá… Đặc biệt, cắm trại bên biển Cảnh Dương là điều bạn không nên bỏ qua, nhất là với những ai yêu thích không gian nghìn sao về đêm.
Câu cá đầm Lập An
Nằm ngay dưới chân đèo Phú Gia, đầm Lập An đẹp như bài thơ “Thu Điếu” của Nguyễn Khuyến, đâu đó giữa làn nước biếc là “một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.” Đây từng là nơi câu cá yêu thích của vua Khải Định và Bảo Đại mỗi khi hè về. Đầm Lập An, hay còn gọi là đầm An Cư được bao quanh bởi dãy núi Bạch Mã hùng vĩ, những đụn mây sà trĩu xuống, tạo thành lớp sương mờ ảo giăng trên mặt nước, đẹp đến nao lòng như một bức tranh thủy mặc. Lúc thủy triều xuống, bạn có thể theo chân người dân địa phương đi đào đụn cát để tìm sá sùng biển.
Cách đó không xa là một làng chài nhỏ với các nhà hàng hải sản, nơi bạn tha hồ khám phá đặc sản Lăng Cô, nhất là món hàu – một sản vật đặc biệt được thiên nhiên hào phóng ban tặng cho người dân nơi đây.
Làng hương Xuân Thủy
Từ Lăng Cô đi xe tầm một tiếng hướng về lăng Tự Đức, bạn sẽ ngang qua một con đường nhỏ bên ngoại ô, dọc đường đầy các gian nhà bán nhang. Dạo quanh góc phố nhỏ của làng, trò chuyện với người bản xứ, bạn không chỉ tìm được rất nhiều góc chụp thú vị và bắt được những khoảnh khắc hay ho, mà còn được trải nghiệm tự tay se từng cây nhang. Đây là một trong những công đoạn quyết định đến tính thẩm mỹ của cây nhang, nhớ lăn thật nhẹ và chắc tay để cho bột bám đều vào que hương.
Những bó nhang thường được nhuộm đủ màu: xanh, đỏ, vàng, tím…và bó lại thành chùm trông như các cụm hoa rực rỡ. Với người Huế, nguyên liệu làm nhang rất quan trọng, nhất là nhang thuốc bắc, phải làm đủ các vị thuốc bắc như quế chi, cam thảo, tùng, trắc, đinh hương, hoa hồi… vô cùng bắt mắt.
Theo Nhu Nguyen (Wiki Travel)